Những năm nghiện ngập khiến Bệnh nhân Số Một mất đi vợ con, tiền bạc cũng như lòng tự trọng. Trong căn phòng màu vàng của Bệnh viện Ruijin Thượng Hải, anh ngồi đối diện với bác sĩ phẫu thuật Li Dianyou, chờ đợi giây phút lên bàn mổ để đục hai lỗ trong hộp sọ và gắn điện cực với hy vọng công nghệ sẽ dập tắt cơn nghiện.
|
Bệnh nhân Số Một ngồi đối diện bác sĩ Li Dianyou. Ảnh: AP.
|
Phương pháp Bệnh nhân Số Một được áp dụng gọi là kích thích não sâu (DBS), từ lâu đã dùng để điều trị các rối loạn vận động như Parkinson. DBS cấy ghép một thiết bị hoạt động như máy tạo nhịp tim vào não, kích thích điện tại các khu vực mục tiêu.
Trên thế giới, phương Tây chưa đẩy mạnh thử nghiệm DBS trên người nghiện. Các nhà khoa học gặp khó khăn khi tuyển chọn tình nguyện viên, chưa kể hàng loạt câu hỏi về đạo đức, xã hội và chuyên môn.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành DBS trên người nghiện và Bệnh nhân Số Một là người đầu tiên tham gia ở Bệnh viện Ruijin Thượng Hải. Luật chống ma túy ở Trung Quốc buộc người nghiện phải đi phục hồi chức năng, tạo nên nguồn tình nguyện viên dồi dào. Chính phủ cũng như các công ty dược phẩm, thiết bị y tế sẵn sàng chi trả cho nghiên cứu DBS.
Theo số liệu của Viện Sức khỏe Mỹ, 6 trong 8 thử nghiệm lâm sàng DBS trên người nghiện đang diễn ra là của Trung Quốc.
Bệnh nhân Số Một tiết lộ họ của mình là Yan. Anh sợ sẽ mất việc nếu bị phát hiện danh tính. Trong danh sách những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm DBS ở Trung Quốc, anh mang bí danh Bệnh nhân Số Một.
Yan bị nghiện từ năm 2011, sau một lần bị bạn bè cho dùng thử ma túy. Lúc đó, con trai anh vừa mới chào đời. Nghe lời hứa hẹn "không sao đâu" cũng những kẻ dụ dỗ, Yan hút thử và từ đó không thể dứt ra.
Tồi tệ hơn, mỗi lần dùng ma túy, Yan lại tìm đến cờ bạc. Mỗi lần đánh bạc, anh lại thua đậm. Từ ngày nghiện ma túy đến nay, Yan ước tính thua bạc khoảng 150.000 USD.
Không khuyên nhủ được chồng, vợ Yan nộp đơn ly dị. Anh không được gặp con thường xuyên.
Với mong mỏi sửa chữa lỗi lầm, Yan đi bệnh viện điều trị, chuyển đến thị trấn khác, dùng thuốc Đông y. Thế nhưng, người đàn ông vẫn tái nghiện. "Ý chí của tôi yếu ớt quá", Yan phân trần.
Năm 2018, cha Yan nghe tin một người bạn phẫu thuật ứng dụng DBS ở Bệnh viện Ruijin. Ông yêu cầu con trai lựa chọn giữa việc đi cai nghiện và phẫu thuật não.
"Tất nhiên tôi chọn phẫu thuật", Yan nói. "Nếu phẫu thuật, tôi chắc chắn sẽ lấy lại cuộc sống trước kia".
Trước DBS, Trung Quốc từng chữa nghiện bằng cách gây tổn thương não, phá hủy các khối mô não nhỏ, Những gia đình tuyệt vọng vì người thân nghiện heroin sẵn sàng trả hàng nghìn USD để thực hiện phương pháp này. Gây tổn thương não nhanh chóng trở thành "mỏ vàng" ở một số bệnh viện nhưng để lại hàng loạt hậu quả cho bệnh nhân như rối loạn tâm trạng, mất trí nhớ và thay đổi ham muốn tình dục. Năm 2004, Bộ Y tế Trung Quốc ra lệnh ngừng phương pháp tổn thương não cho người nghiện.
Khác với phương pháp gây tổn thương não khiến tế bào não bị giết chết, tác động của DBS có thể được đảo ngược và mở ra một mảnh đất màu mỡ cho các nhà nghiên cứu. Tại Trung Quốc, giá thiết bị DBS gần 25.000 USD.
|
Hình phân tích đường dẫn điện cực trong não bệnh nhân nghiện ma túy. Ảnh: AP.
|
Theo Yan, bác sĩ Li nói với anh ca phẫu thuật không nguy hiểm. "Nhưng tôi vẫn căng thẳng", Bệnh nhân Số Một thành thật. "Đây là lần đầu tiên tôi lên bàn mổ".
Thực tế, DBS vẫn kèm theo những rủi ro. Yan có nguy cơ nhỏ chết vì xuất huyết não hoặc bị thay đổi nhân cách, động kinh, nhiễm trùng. Anh cũng có thể tái nghiện ma túy.
Dù sao đi nữa, Yan quyết đi đến cùng với quyết định của mình. 9h sáng ngày 26/10/2018, bác sĩ Li khoan hộp sọ của Yan, luồn hai điện cực vùng nhân não Nucleus Accumbens là vùng liên quan đến chứng nghiện.
Yan tỉnh táo suốt ca phẫu thuật. Tiếng máy khoan khiến anh run rẩy.
16h chiều hôm đó, Yan được gây mê hoàn toàn để cấy pin vào ngực, cung cấp năng lượng cho điện cực trong hộp sọ. Ba tiếng trôi qua, người đàn ông vẫn không tỉnh lại. Cha của Yan bắt đầu khóc. Bác sĩ lo ngại việc lạm dụng ma túy đã ảnh hưởng đến phản ứng của bệnh nhân với thuốc mê. Cuối cùng, trải qua 10 tiếng đồng hồ hôn mê, Yan mở mắt.
Hai ngày sau ca phẫu thuật, các bác sĩ bật thiết bị DBS của Yan. Khi điện cực được kích hoạt, Bệnh nhân Số Một cảm thấy phấn khích. Dòng điện chạy qua cơ thể khiến anh tỉnh táo. Yan cho biết đã dành cả đêm nghĩ về ma túy.
Ngày 29/10, Bệnh nhân Số Một gặp lại bác sĩ Li.
"Anh thấy vui chứ", bác sĩ Li hỏi, tay cầm máy tính bảng điều chỉnh thiết bị DBS.
"Vâng", Yan đáp.
"Giờ thì sao", bác sĩ Li thay đổi cài đặt.
"Kích động", Yan trả lời. Anh cảm thấy cái nóng trong lồng ngực đi kèm cảm giác tê dại, mệt mỏi. Yan bắt đầu đổ mồ hôi.
Tiếp tục thay đổi, bác sĩ Li hỏi: "Bây giờ có cảm giác gì không".
"Khá vui", Yan mô tả.
Đến nay, hiệu quả của DBS trên người nghiện vẫn gây tranh cãi. Nghiên cứu của các bác sĩ ở Bệnh viện Quân đội Tây An cho thấy 5 trên 8 bệnh nhân không dùng ma túy suốt 2 năm sau khi cài DBS. Nghiên cứu khác của bác sĩ Sun Bomin, trưởng khoa phẫu thuật thần kinh chức năng Bệnh viện Ruijin ghi nhận một bệnh nhân tái nghiện và sốc thuốc dù đã được phẫu thuật cấy điện cực não.
Trường hợp Bệnh nhân Số Một, tinh thần anh khá tốt. Yan gọi thiết bị DBS là "chiếc máy kỳ diệu". "Bác sĩ đặt ở chế độ hạnh phúc thì bạn sẽ thấy hạnh phúc. Bác sĩ điều chỉnh sang chế độ căng thẳng thì bạn sẽ thấy căng thẳng", người đàn ông mô tả.
Bốn ngày sau ca phẫu thuật, Yan xuất viện. Hơn 6 tháng trôi qua, anh khẳng định đã tránh xa ma túy. Yan trông hồng hào hơn và tăng gần 10 kg.
Khi bạn bè dụ dỗ dùng ma túy tiếp tục, anh từ chối. Yan cũng cố nối lại quan hệ với vợ cũ nhưng cô đã lập gia đình mới và đang mang thai.
"Thật tiếc vì anh đã đến quá muộn", vợ cũ của Yan nhắn.
Giờ đây, thi thoảng trong cuộc sống mới, Yan chạm tay vào cái dây cứng ở cổ dẫn nguồn pin từ ngực đến điện cực trong não. Và anh tự hỏi, chiếc máy này đang làm gì trong đầu mình.
Nguồn: VN Express