NHỮNG NGÀY KHÔNG QUÊN

Ngày đăng: 22/10/2021

   Sáng hôm ấy khi nhận đươc tin CDC HN báo là chuẩn bị có xe đón đưa đến khu điều trị, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu cô là hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Thế là cô gọi cho cô P – người đã điều trị F0 sau 10 ngày triệu chứng nhẹ và đã được về nhà cách ly. Sau khi được cô ấy hướng dẫn cụ thể thì cô gọi điện báo cho người thân, nghe giọng trên điện thoại thì có vẻ người thân còn lo lắng hơn cả cô nữa.

   Từ balcon nhìn xuống dưới ngõ thấp thoáng bóng áo xanh bảo hộ kéo vali đi. Lúc đầu chỉ có 1 top, sau đó thì hết top nọ đến top kia, mọi người hầu hết là cùng 1 gia đình hoặc hàng xóm nên gọi nhau í ới, đông  như đi trẩy hội. Có vài người còn lấy điện thoại ra chụp ảnh check in để ghi lại thời khắc lịch sử này. Cô chờ mãi hết top này đến top khác đã lên xe, tiếng còi rú lên inh ỏi, tiếng người lao xao lẫn tiếng các phóng viên đang thi nhau tác nghiệp làm cô càng hồi hộp hơn vì chờ mãi chưa thấy gọi đến tên mình.

  Sau cùng thì 11h đêm cô cũng được lên xe để đến khu điều trị. Cô nhận thấy chỉ có 1 xe là đưa F0 đi điều trị, còn lại là các gia đình F1, vì thế họ đứng dạt hết sang 1 bên lề đường khi thấy có ai đó mặc đồ bảo hộ xanh từ trong nhà đi ra vì đó là F0. Trên xe lúc này chỉ có 5 bệnh nhân như cô chứ không đông đúc chen lấn như hồi chiều nữa. Vào đến khu điều trị thì đúng 12h đêm, giờ đẹp ghê. Cả 5 người không ai bảo ai, dọn dẹp gường để nghỉ ngơi, ngày mai còn lấy sức chiến đấu với con virus.

  7h sáng có 2 thiên thần áo trắng đến lấy máu, xong cả phòng được chuyển lên khu điều trị. Ấn tượng đầu tiên là toàn 1 màu trắng  và mùi thuốc kháng sinh, kháng khuẩn, ... xông lên mũi. Cô được xếp vào phòng cuối cùng của dãy, trong phòng có 3 mẹ con cô bán hàng chợ ngõ 328. Cô nằm gường sát với cửa sổ, bên ngoài cửa sổ là dãy hành lang để vận chuyển đồ vào cho khu điều trị, bên dưới là giếng trời của cả khu bệnh viện nên rất thoáng và thỉnh thoảng còn có cơn gió thổi vào.

  Ở viện đến ngày thứ 2 thì cô mới biết cách điều trị của F0 khác hoàn toàn cách điều trị các bệnh khác. Tất cả bệnh nhân đều vào nhóm zalo điều trị F0 của bệnh viện, sau đó nhắn các chỉ số đo SPo2 và nhiệt độ kèm triệu chứng (nếu có) lên nhóm, rồi các bác sỹ sẽ căn cứ vào đó để có phác đồ điều trị. Cô ở phòng cuối là giáp luôn với khu ở của các y bác sỹ nhưng được cách ngăn bởi vách kính. Bên đó các y bác sỹ có lúc còn không đeo khẩu trang, còn bên này bệnh nhân được yêu cầu đeo khẩu trang 24/7 trừ lúc ăn và vệ sinh mũi miệng.

  Hàng ngày các y tá và điều dưỡng sẽ đẩy xe vào phát thuốc, tiêm/truyền cho bệnh nhân cần tiêm/truyền. Sau đó đến giờ cơm họ lại đẩy xe vào để phát cơm. Lâu ngày cũng quen dần với âm thanh đó. Cứ ở trong phòng đến khi biết có tiếng xe cạch cạch từ xa là có hộ lý vào. Thỉnh thoảng có bóng dáng các bác sỹ điều trị vào để khám, nhưng ưu tiên số 1 vẫn là các ca nặng, hoặc có triệu chứng chuyển nặng. Thực ra nếu không ghi tên cụ thể ở sau lưng áo trắng bảo hộ thì các bệnh nhân cũng không phân biệt được đâu là y tá, đâu là bác sỹ, vì ai cũng kín từ đầu đến chân, mỗi đôi mắt là còn thấy được, tuy nhiên nhiều khi cũng mờ hết cả kính mắt vì mồ hôi và bị hấp hơi nữa.

  Khu điều trị F0 nên toàn bộ đồ dùng mà bệnh nhân thải ra đều được coi là rác thải nguy hiểm. Buổi sáng 8h và chiều 14h sẽ có hộ lý đến dọn vệ sinh dãy hành lang và dọn rác. Tuy nhiên vì là bệnh nhân đi 1 mình (rảnh không phải chăm người nhà), và cô cũng thấy mình khỏe mạnh bình thường nên cứ 16h là cô tự đi dọn vệ sinh khu vệ sinh nữ. Thực chất khu vệ sinh nữ vốn cũng sạch, chỉ trừ có gia đình nào đổ bô rớt ra thì mới mất thời gian dọn hơn chút thôi. Cả khu điều trị này đều là hàng xóm của nhau nên hầu như ai cũng biết nhau, hỏi thăm nói chuyện rất rôm rả. Trẻ con thì chạy lung tung chơi đùa ngoài hành lang sau mỗi lần đã chán mắt vì xem điện thoại.

  Vì 7 ngày đầu cô không có triệu chứng gì nên chỉ được phát Vitamin B tổng hợp, oresol và vitamin C. Bác sỹ nhắn nếu cô bình thường thì hôm sau cô đươc test để chuẩn bị xuất viện, nhưng chắc cô dọn dẹp nhà về sinh sạch quá nên bệnh viện muốn cô ở thêm để dọn hay sao í. Chiều hôm thứ 7 ở viện thì bệnh viện tiếp nhận loạt bệnh nhân mới, nên họ điều chuyển các bệnh nhân nhẹ xuống tầng dưới, 2 tầng trên cùng của tòa nhà để chuyên điều trị bệnh nhân nặng hơn. Riêng tấng chót thì chủ yếu là các bệnh nhân phải chạy máy thở, dây dợ cắm loằng ngoằng trên người (mà sau này cô chứng kiến 1 ca nên bị sốc tâm lý).

  Xuống tầng dưới cô nhanh chân chọn phòng vip, nghĩa là phòng chỉ có 2 giường, có tivi và nhà tắm ngay trong phòng. 3 mẹ con nhà kia cũng xách đồ định vào nhưng vì không đủ giường nên họ vào phòng đối diện. Lúc ấy cô thấy hơi e ngại một chút, nhưng thực tình căn phòng này quá đáng yêu. Đã vậy lại có cửa sổ mở ra hành lang có thể ngắm trời xanh mây trắng, nên cô cũng k để tâm nhiều đến mẹ con nhà ấy nữa. Nhưng tối hôm ấy (ngày điều trị thứ 7) cô bị cơn đau đầu cả đêm không tài nào chợp mắt được, cô không biết có phải do con bé con cùng phòng la hét nhiều đến tận nửa đêm mới chịu ngủ nên cô mới đau đầu, hay là lúc này cô mới phát bệnh nữa (cơn bão Cytokile). Sáng hôm sau cô nhắn tin riêng luôn tình trạng bệnh với bác sỹ và Bác sỹ bảo cô uống 1 viên Tatanol nếu không chịu đựng được. Đúng là uống vào cô ngủ trưa được và hết đau đầu. Ngày hôm sau thì cô hết đau đầu nhưng hơi chóng mặt và tê tay, thế là bác sỹ lại bảo cô uống 1 viên tatanol nữa. Ngày thứ 3 chuyển xuống đây thì cô được lấy máu và chụp phổi (vì đã phát triệu chứng). sau đó cô được tiêm 2 mũi chống đông máu. Tiêm xong 2 mũi lấy máu lại thì bác sỹ thông báo máu cô đã bình thường, chỉ cần uống thêm vài ngày kháng sinh nữa là ổn, không cần tiêm thuốc chống đông máu nữa. Tất cả các bệnh nhân trong khu này mà phải tiêm mũi chống đông máu thì ai cũng cảm nhận thấy là nhức nhói vùng bụng (vì tiêm bụng) và vết thâm thì cả tháng mới tiêu đi hết.

 

  Chuỗi ngày nằm viện mà cả xóm gọi là đi nghỉ dưỡng ấy chính là khi ở tầng này. Vì đến giờ có hộ lý mang cơm/thuốc đến phát, ăn xong thì ra cửa sổ hít thở và ngắm trời ngắm mây, ai không hít thì xem ti vi, có người thì tập thể dục, người thì làm điếu thuốc cho đỡ thèm,... Sau đó mỗi ngày lại có vài người xuất viện, nên cả khu ai thích dãn cách, thích ngủ phòng nào có tivi thì cứ chuyển sang nằm, hoặc ai thích bật điều hòa thì sang phòng riêng bật xả láng,....

  Gọi là đi nghỉ dưỡng còn là vì đồ ăn rất thoải mái, ngoài cơm phát 3 bữa/ngày ra thì còn có chè, bánh, hoa quả ,... chưa kể các gia đình còn mua thêm nhiều đồ ăn bồi dưỡng thêm. Chỉ tội các cô hộ lý phải khuân đồ lên, rồi đẩy mấy cái xe cao ngất đồ đạc, mồ hôi có khi ướt đẫm cả bộ đồ bảo hộ. Nhiều bệnh nhân khỏe mạnh thì họ sẽ hỗ trợ đẩy xe đi phát trong khu điều trị, vì họ cũng chỉ giúp được thế (họ chỉ được phép đi trong tầng mình điều trị)

 

  Cô ở trong khu điều trị từ tầng trên xuống tầng dưới, rồi lại từ tầng dưới lên tầng trên vì sau mỗi đợt bệnh nhân xuất viện là bệnh viện sẽ dồn tầng để đỡ ảnh hưởng đến khu điều trị chung của bệnh viện. Lần sau cùng là cô được lên tầng chót, nơi trước đây chuyên điều trị các ca nặng. Bước chân từ thang máy ra đến hành lang là hành lý, va ly, tã bỉm, thậm chí cả sữa,... để xếp dọc lối đi. Ai cũng biết đó là đồ của các bệnh nhân kém may mắn mà đã không qua khỏi cuộc chiến khốc liệt này. Tiếp đến là dãy để các loại máy móc, dây điện chằng chịt mà đội ngũ của bệnh viện đang dọn dẹp dần để bàn giao cho khu điều trị mới. Vì ngoài các bệnh nhân đã không qua khỏi được thì các bệnh nhân nặng đã được điều chuyển sang  bệnh viện tuyến chuyên điều trị các ca nặng, bệnh nhân còn lại hầu hết là những người đã hết triệu chứng và chỉ còn chờ test âm tính để được xuất viện. Đi qua dãy hành lang đó ai cũng trầm ngâm, không còn nói chuyện rôm rả như mọi ngày nữa. Vào đến phòng bệnh thì bệnh nhân nào cũng lặng lẽ hơn nữa vì hầu như phòng nào cũng có vết máu hoặc vài ống tiêm, ống truyền, hay dây truyền đang treo lủng lẵng. Cô và mọi người lặng lẽ dọn dẹp, cùng với sự hỗ trợ của các cô hộ lý. Bữa cơm hôm đó ai cũng im lặng ăn mà không còn trao đổi xem là rau hôm nay ngon hay ngái, cơm hôm nay dẻo hay khô như bữa ăn mấy hôm trước nữa.

  Lên tầng này được 2 hôm thì cô xuất viện về nhà. Đồng hành cùng cô luôn là đội ngũ vận chuyển cấp cứu bệnh nhân của 911 Anh Vũ, những con người nhân hậu và mạnh mẽ, luôn hỗ trợ miễn phí bất kể ngày hay đêm, xa hay gần, đông hay ít bệnh nhân họ đều luôn sẵn sàng đưa đón.

  Cô biết rằng mình và nhiều người khác đã rất may mắn chiến thắng được con virus nguy hiểm kia. Cuộc chiến này dù có còn nhiều giai đoạn, nhiều khó khăn, nhiều hy sinh và mất mát, nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì cô cũng luôn luôn tin rằng tình người, sự sẻ chia và đồng lòng của toàn thể các cá nhân hay tập thể, của mỗi gia đình hay toàn xã hội, của từng người dân hay cả các cấp chính quyền cũng đều là động lực mạnh mẽ để vượt qua tất cả.

   Tác Giả: Cỏ Đá 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức
Tin đã đăng
 TRUNG TÂM VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH 911
 Hotline: 0353.911.911
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI