Đây là tin vui cho các khu vực mà khả năng tiếp cận y tế có hạn, nơi những viên thuốc quá hạn là phương tiện chữa bệnh duy nhất, Wilderness & Environmental Medicine dẫn lời nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Khảo sát Y tế Nam Cực (Anh).
"Hạn sử dụng in trên bao bì là thời gian cuối cùng các hãng dược cam kết về thành phần và tính ổn định của thuốc khi được bảo quản trong bao bì gốc dưới điều kiện lý tưởng", tiến sĩ Emma Browne, người đứng đầu công trình cho biết.
"Ngày hết hạn không nhất thiết là thời điểm thuốc mất hiệu quả hoặc trở nên nguy hiểm. Nhiều dược phẩm vẫn còn tốt sau 2-3 năm kể từ lúc hết hạn".
Trước đó, bà Emma cùng đồng nghiệp đã so sánh các mẫu quá hạn từ một đến 4 năm với các mẫu mới còn hạn của 5 loại thuốc. Những loại này bao gồm atropine (điều trị ngộ độc hóa chất), nifedipine (điều trị cao huyết áp và tức ngực), flucloxacillin (kháng sinh họ penicillin), bendroflumethiazide (điều trị tăng huyết áp) cùng naproxen (thuốc giảm đau không steroid).
Kết quả, tất cả mẫu thuốc được thử nghiệm đều ổn định. Về mặt lý thuyết, chúng vẫn hiệu quả sau thời gian hết hạn.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiết kiệm được một lượng lớn chi phí xã hội từ việc vứt bỏ và mua mới nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, nhóm tác giả thừa nhận công trình còn hạn chế bởi không thể xác định nhiệt độ bảo quản chính xác của các mẫu thuốc được thử nghiệm.
Tại Mỹ, bác sĩ Patil Armenian tại Đại học California từng tiến hành nghiên cứu tương tự với naloxone, loại thuốc điều trị chứng lạm dụng opoid. Bà phát hiện nhiệt độ cao như ở trong ôtô đậu ngoài trời nắng khiến thuốc mất tác dụng dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Bác sĩ Browne khuyến cáo trước khi có những kết luận cụ thể hơn, cộng đồng và bác sĩ vẫn nên tuân theo hạn sử dụng in trên bao bì thuốc. Bà tin rằng đã đến lúc nghiên cứu sâu hơn về ngày hết hạn của dược phẩm.
Nguồn: VN Express