Sản phụ 24 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM, chưa nguôi nỗi đau sau hơn một tháng mất con. Chị mang thai con đầu lòng, khám thai không có bất thường, dự sinh ngày 2/11.
Chị cho biết sáng 29/10 ra nhiều nước ối nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Từ Dũ, thai đã hơn 39 tuần. Bác sĩ kết luận thai phụ ra dịch nhầy, tử cung mở 0,5 cm nhưng chưa có dấu hiệu sinh nên được cho về nghỉ ngơi, dặn quay lại viện khi tử cung mở 2 cm hoặc có dấu hiệu bất thường.
Hai ngày sau chị đau bụng và ra máu nên quay lại viện cấp cứu. "Tôi phải rút số thứ tự chờ khám đến số 95 và ngồi chờ gần 2 giờ", chị cho biết. Vào khám, bác sĩ không nghe được tim thai nên chuyển đến phòng siêu âm. Kết quả siêu âm thai nhi không còn tim thai. Em bé nặng 3,45 kg, bác sĩ chỉ định lấy thai ngày 1/11 bằng phương pháp kích thích sinh thường.
Gia đình yêu cầu được lấy thai sớm nhưng bác sĩ giải thích làm vậy sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Bệnh nhân do thiếu giường bệnh nên nằm chờ đợi ngoài hành lang dù vào viện đã đóng 5 triệu đồng. Sáng hôm sau chị được đưa lên phòng sinh, chờ đến 14h chiều rặn sinh thường bé trai đã tử vong.
"Khi bé ra đời tôi mới biết bé có bị dây rốn quấn cổ, nhưng suốt quá trình khám thai bác sĩ không thông báo điều này, cho rằng không liên quan việc thai chết lưu", chị bức xúc. Gia đình không đồng tình với giải thích của bệnh viện là "rủi ro, tai biến y khoa".
|
Giấy xác nhận em bé tử vong của bệnh viện cấp cho gia đình. Ảnh gia đình cung cấp.
|
Ngày 5/12, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết chia sẻ với nỗi đau của sản phụ và gia đình. Trường hợp này, bệnh viện đã theo đúng phác đồ điều trị. Bệnh án ghi nhận ban đầu khi đến khám bệnh nhân chưa vỡ ối, các xét nghiệm, siêu âm cho thấy chưa có chỉ định nhập viện.
"Thai phụ 39 tuần được chỉ định về nhà chờ chuyển dạ rất nhiều và là chuyện bình thường".
Hai ngày sau bệnh nhân quay lại viện thì thai đã chết lưu. Giải thích chuyện bệnh nhân đợi lâu, bệnh viện cho biết tất cả thai phụ chuyển dạ đều có dấu hiệu sinh giống nhau, phải chờ đợi lần lượt theo quy trình, trường hợp có chỉ định cấp cứu khẩn mới được ưu tiên.
Bác sĩ từ chối không đưa thai ra ngay sau khi chết lưu là vì "tương lai sản khoa" của bệnh nhân. Bệnh nhân được sử dụng thuốc giục sinh để tự sinh thường, tránh những tai biến, di chứng do mổ đưa em bé ra.
Trước nghi vấn của gia đình về việc dây rốn quấn cổ khiến thai chết lưu, bệnh viện xác nhận trong lúc thăm khám thai kỳ phát hiện có một vòng dây rốn quấn cổ bé. Nhân viên y tế không ghi chẩn đoán này vào bệnh án vì "lo ngại làm tăng lo lắng cho thai phụ".
Tỷ lệ thai nhi có dây rốn quấn cổ khoảng 40%, không liên quan đến việc thai chết lưu. "Đây chỉ là một tình trạng kèm theo và không làm thay đổi việc can thiệp xử trí sản khoa", đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết.
Bệnh viện Từ Dũ kết luận "thai nhi trong bụng sản phụ đột tử không rõ nguyên nhân". "Mỗi năm bệnh viện có vài trường hợp tương tự, là rủi ro không thể xác định nguyên nhân", đại diện bệnh viện chia sẻ.
Lê Phương