Phút tiễn biệt của người vợ mang thai trước khi hiến tạng chồng

Ngày đăng: 18/03/2019

4h sáng 9/3, không khí yên tĩnh bao trùm phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Nằm trên giường bệnh là anh Nguyễn Văn Chính 30 tuổi, bị tai nạn giao thông được chuyển vào viện. Đồng tử hai bên đã giãn, điểm tri giác về thấp nhất, phải thở oxy. Anh đã chết não, không còn nhận ra những người thân đang đứng bên cạnh: bố mẹ, em trai, và hơn hết là người vợ - chị Nguyễn Phương Oanh, đang mang trong bụng đứa con mới hơn 2 tháng thai. Gia đình quyết định hiến toàn bộ tạng của anh để ghép cứu nhiều người khác. 

Gần 10 ngày kể từ giây phút ấy, chị Oanh nhớ: "Sau tất cả, cảm xúc lúc này là sự tiếc nuối khi anh không thể nói lời từ biệt với vợ, với các con, cũng không được nhìn chúng lần cuối".

Khi ấy chị lại gần nắm tay chồng, áp bàn tay anh vào bụng mình. Em bé trong bụng là đứa con thứ ba của hai vợ chồng. Bố và anh trai chồng đều bị bệnh tâm thần bẩm sinh, thường xuyên phải vào viện chữa trị.  Cuộc sống mưu sinh khiến hai vợ chồng thường trong cảnh mỗi người một nơi, một tuần chỉ được gặp nhau 1-2 lần.

Đã đến lúc đưa anh vào phòng mổ hiến tạng. Kíp bác sĩ thông báo rút ống thở, chị giữ chặt tay anh lần cuối rồi từ từ buông ra. Người nhà đỡ chị đứng lên trong im lặng. Tiếng bíp bíp của máy thở vang lên, hình sin duỗi dài thành đường thẳng. Các bác sĩ và gia đình đứng cúi đầu một phút mặc niệm. Anh được tiễn biệt sang phòng mổ lấy tạng.

6 bàn mổ đã được chuẩn bị sẵn sàng để vừa lấy tạng vừa ghép tạng cho 5 bệnh nhân khác bao gồm một quả tim, hai quả thận và lá gan. Trong đó, gan của anh được chia ra để ghép cho hai người là một bé 8 tuổi và một nam bệnh nhân 49 tuổi. Anh Chính cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được bác sĩ chia lá gan để ghép cho hai người.

Hiện các bệnh nhân đều ổn định sức khỏe. Các đoạn mạch máu của anh Chính cũng được bác sĩ gửi vào Ngân hàng mô lưu giữ để ghép cho những bệnh nhân khác.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Chính trong ảnh cưới vài năm trước. Ảnh gia đình cung cấp.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Chính trong ảnh cưới vài năm trước. Ảnh gia đình cung cấp.

Chia sẻ về quyết định hiến tạng chồng mình, chị Oanh cho biết anh ra đi quá đột ngột, mọi người trong gia đình đã suy nghĩ rất nhiều về quyết định có nên hiến tạng hay không. Thông qua Trung tâm ghép tạng điều phối Quốc gia, chị biết nhiều trường hợp hiến ghép trước đó và thấy rằng đây là một nghĩa cử cao đẹp, cả gia đình đã quyết định hiến tạng anh.

"Nếu anh ra đi mà có thể nối tiếp sự sống cho 5 người khác, một phần cơ thể anh đang sống trong 5 người kia và mình được biết họ rất khỏe mạnh, đó là một niềm vui, niềm an ủi lớn lao", người vợ chia sẻ.

Một phần lá gan của anh Chính được ghép cho em bé 8 tuổi.

Một phần lá gan của anh Chính được ghép cho em bé 8 tuổi.

Nghĩa cử của chị Oanh cùng gia đình được các bác sĩ lẫn bệnh nhân, thân nhân người ghép tạng nhắc đến tri ân.

Với các bác sĩ, tất cả trường hợp hiến tạng đều để lại trong họ nhiều cảm xúc, bên cạnh áp lực lớn làm sao lấy tạng và ghép thành công. Mỗi bệnh nhân mang đến một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng, điều mà những người nhận tạng sẽ không bao giờ quên.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ: "Người mất đi trở về cát bụi nhưng một phần cơ thể sẽ sống trong cơ thể những người khác. Theo quan niệm một số tôn giáo, trong những thứ cho đi của con người thì cho tạng, hiến tạng là món quà lớn nhất của con người". 

Nguồn: VN Express

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức
Tin đã đăng
 TRUNG TÂM VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH 911
 Hotline: 0353.911.911
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI