Sáng 4/12, phiên xử ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) và 24 bị cáo tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư.
Trả lời thẩm vấn của luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho Vũ), ông Bình nói từng gián tiếp cho Vũ biết tình trạng treo quỹ của DAB, khẳng định không bàn bạc với Vũ việc thu khống 200 tỷ đồng, nhưng "nghĩ Vũ biết".
Theo luật sư Trạch, HĐXX đã đồng ý cho gia đình Vũ nộp thêm hơn 30 tỷ trong chiều nay. Trước đó, họ đã nộp 173 tỷ đồng trong tổng số 203 tỷ Vũ bị cáo buộc chiếm đoạt của DAB.
Điều này nhằm thực hiện lời hứa của Vũ trong phiên xử hôm 30/11, rằng sẽ trả lại toàn bộ hơn 200 tỷ đồng cùng 13,4 triệu USD "vay cá nhân" ông Bình. "Anh Bình đang gặp nạn bị cáo đâu thể ngoảnh mặt làm ngơ", Vũ nói.
|
Vũ Nhôm. Ảnh: Hữu Khoa.
|
Về phần mình, ông Bình cũng đang nỗ lực động viên người thân khắc phục hậu quả. Đối với hơn 70 bằng khen, giấy khen được trao tặng, cựu Tổng giám đốc DAB nói rằng "không xứng đáng nhận được".
Trả lời luật sư Trạch trước đó, Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB) khai được ông Bình chỉ đạo lập phiếu thu khống 200 tỷ đồng của Công ty Bắc Nam 79. "Sếp Bình kêu bị cáo đưa mẫu bảng kê và bảng kê kiêm phiếu thu cho Vũ ghi nội dung rồi ký tên vào", Vinh nói.
Nguyên thủ quỹ Hội sở DAB nghỉ việc vì thấy 'nguy hiểm'
Trả lời luật sư, Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DAB) cho biết, lý do xin nghỉ việc ở DAB hồi giữa năm 2015 (trước khi vụ án bị khởi tố) vì "thấy làm sai, nguy hiểm quá". Ông đã ghi chép lại số tiền thực tế trong kho vào thời điểm ngân hàng bị âm quỹ khoảng 2.100 tỷ đồng. Khi công an mời làm việc, Hùng chủ động nộp lại 5 tờ giấy viết tay ghi lại 12 khoản thu chi sai nguyên tắc lên đến gần 300 tỷ đồng, diễn ra từ ngày 11/10/2012 đến 12/3/2014. Từ những ghi chép này cơ quan điều tra đã lần ra các khoản tiền thất thoát tại DAB.
Cơ quan điều tra xác định số tiền này được chuyển đến nhân viên phòng kho quỹ DAB - chi nhánh Hà Nội để mua 13,9 triệu USD. Sau đó, ông Bình chuyển lần lượt 9 lần cho Vũ Nhôm, tổng cộng là 13,4 triệu USD.
Trong phạm vi vụ án, Hùng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên đới gây thiệt hại hơn 2.536 tỷ đồng của DAB thông qua hàng loạt sai phạm: xuất quỹ sai nguyên tắc, chi lãi ngoài, xuất khẩu vàng trái phép...
|
Bị cáo Đỗ Thanh Hùng. Ảnh: Hữu Khoa.
|
Trong phiên xử hôm qua (3/12), Vũ xin trình bày những quan điểm của mình với HĐXX và được cấp giấy bút ra bàn riêng ngồi viết. Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 sau đó nộp lại tòa 9 trang tài liệu viết tay, có chữ ký xác nhận của luật sư bào chữa và kiểm sát viên.
Theo chủ tọa, các tài liệu này thể hiện việc Vũ cho rằng cáo trạng gây oan sai cho bị cáo. HĐXX cho biết đây mới là phần xét hỏi, khi đến phần tranh luận Vũ sẽ có cơ hội trình bày quan điểm riêng. "Tài liệu này được chuyển đến để HĐXX biết, bị cáo sẽ tham gia tranh luận sau đó", Vũ nói.
Ngoài ra, Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB) cũng gửi thư từ trại giam cho HĐXX, nói mình bị oan nhưng sau đó lại đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng, trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2013, ông Bình thống nhất bán cho Vũ Nhôm 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối DAB. Tuy nhiên, Vũ chỉ thế chấp cho ngân hàng 220 lô đất tại Đà Nẵng trị giá 400 tỷ đồng. 200 tỷ còn lại, Vũ được ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ của DAB chuyển vào tài khoản Công ty Bắc Nam 79, sau đó Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB.
Tăng vốn điều lệ không thành, DAB chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79 số tiền gốc 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ tiền lãi. VKSND Tối cao xác định, Vũ Nhôm chiếm đoạt của DAB tổng cộng 203 tỷ đồng.
Bị cáo buộc đồng phạm với Phan Văn Anh Vũ, ông Trần Phương Bình cùng 24 bị cáo còn bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo đã gây thiệt hơn 3.600 tỷ đồng của DAB.
|
Kỳ Hoa