Những 'vua liều' tháo bom ở Quảng Trị

Ngày đăng: 12/12/2018
13 năm tháo bom, không ít lần vợ vứt búa ve, khóc dọa đốt nhà, nhưng chỉ được vài bữa ông Hưng lại đặt thợ rèn bộ đồ nghề khác.

Nhắc tới ông Lê Công Hưng ở xã Gio Bình (Gio Linh, Quảng Trị), nhiều người làm nghề rà phá phế liệu chiến tranh bày tỏ sự thán phục, nhưng cũng không ít người lắc đầu trước sự liều lĩnh của ông.

Quê ở Cửa Lò (Nghệ An), năm 1969 ông Hưng tòng quân, thuộc biên chế Đoàn Sông Hồng, chiến đấu tại chiến trường Gio Linh. Một năm sau, Đoàn Sông Hồng giải thể, ông được biên chế vào đơn vị mới thuộc Huyện đội Gio Linh. Đầu năm 1975, khi Quảng Trị được giải phóng, ông lập gia đình, sau đó ra quân và đưa gia đình về quê Cửa Lò sinh sống.

Ông Lê Công Hưng, một trong những vua liều kể về thời tháo bom mưu sinh. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Lê Công Hưng kể về thời tháo bom mưu sinh. Ảnh: Hoàng Táo

Người đàn ông 67 tuổi, tóc bạc trắng kể, cuộc sống ở quê khó khăn, thường xuyên đối mặt với mưa bão nên năm 1984 cả gia đình lại trở về Gio Linh. Vợ chồng vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, nhưng thất bát nhiều hơn thành công. Thấy nhiều người hành nghề rà phế liệu chiến tranh, ông Hưng mua chiếc máy rà cạn giá một triệu đồng vào năm 1990 để hành nghề. 

Sau này, thấy quá nhiều bom, đạn pháo 105, 155, 175, 203 ly vứt lăn lóc trên mặt đất, ông đánh liều gỡ bom, loại bỏ thuốc nổ để lấy đồng, sắt bán. Đồ nghề của ông chỉ là búa tạ, xà beng và vài cái ve. "Làm gì có trường lớp, thấy người ta gỡ rồi mình làm theo thôi", ông Hưng nói. 

Những ngày đầu, ông Hưng tháo các quả đạn pháo 105 ly to bằng bắp đùi. Dùng búa ghè quanh đầu đạn hình dấu trừ cho rơi rỉ sắt, ông dùng tay vặn đầu đạn ra. "Lúc đầu tháo đạn run như thằn lằn đứt đuôi, mồ hôi toát ướt cả áo", cựu quân nhân kể. Nhiều quả đạn tháo thành công nên ông Hưng gan lỳ hơn.

Nhiều năm trong nghề, ông Hưng đúc kết các quả đạn pháo có cấu tạo giống nhau, chỉ cần tháo đầu đạn ra là xem như an toàn. Có ba loại đầu đạn, trong đó đầu điện có mạ vàng tây, chứa lạng rưỡi đồng; đầu đồng có bảy lạng đồng và đầu dấu trừ được đánh giá dễ tháo nhất.

Các quả đạn chứa nhiều loại thuốc nổ, như TNT, thuốc nâu, thuốc vàng, thuốc muối. Tháo được đầu đạn, ông Hưng dùng xà beng thọc vào trong để tháo hết thuốc nổ. Có khi, ông dùng lửa đốt hết thuốc chỉ để lấy vỏ đạn bán sắt vụn.

Khó tháo nhất là quả đạn nằm trên mặt đất bị oxy hóa, rỉ rét không vặn được. Những quả đạn vùi dưới ruộng, nằm dưới nước còn nguyên màu xanh, không bị rỉ rét được dân trong nghề yêu thích vì bán giá cao.

Chân trái của ông gãy nát trong một vụ nổ do tháo bom. Ảnh: Hoàng Táo

Chân trái ông Hưng gãy nát trong một vụ nổ do tháo bom. Ảnh: Hoàng Táo

Hay tin ông Hưng tháo hàng tấn đạn, nhiều người thuê ông Hưng về tháo đạn với giá 50.000-100.000 đồng mỗi quả. Cũng có nhiều người cho ông bom đạn để giải phóng đất đai, vườn tược.

Mùa hè năm 1994, một người dân vùng biển Trung Giang (Gio Linh) cho ông Hưng ba quả đạn 122 ly. Sáng sớm, ông đạp xe về vùng biển, chở ba quả đạn lên đến nhà thì quá trưa. Mang ba quả đạn ra sau vườn, chuẩn bị đồ nghề để tháo đạn, ông vừa vung một nhát búa xuống thì đạn nổ.

Sau hồi choáng váng, ông tỉnh lại, dùng tay véo vào chân thấy đau nên biết mình chưa chết. Cố đứng dậy, ông lại ngã dúi dụi do chân trái vỡ nát, chân phải bị phạt bay mắt cá. Sau này, ông Hưng biết quả đạn mới nổ kíp rồi bay vù vào hàng rào tre, thuốc bên trong chưa phát nổ nên ông mới giữ được mạng.

Nghe tiếng nổ sau vườn, ông Nguyễn Văn Giang (65 tuổi, anh cọc chèo của ông Hưng) biết ngay em bị nạn, vì cả làng bấy giờ chỉ mình ông tháo bom. Mọi người ùa đến, dùng tấm cửa gỗ làm cáng, cột vào hai chiếc xe đạp chở ông xuống bệnh viện huyện. Hai người khác cũng đạp xe chạy theo để đổi người. Sau 20 ngày, ông Hưng xuất viện rồi tự tháo bột sau một tháng nằm nhà.

Nhiều năm hành nghề "tử thần", ông Hưng chứng kiến không ít cái chết do tháo bom. "Sư phụ" của ông ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) là một trong số đó. Ông từng khuyên nhóm ba người đừng tháo một loại đạn, nhưng họ không nghe khiến một người tử vong.

Sau tai nạn năm 1994, ông Hưng nghỉ ở nhà chăn gà, nuôi lợn. Năm 1997, ông mua một máy rà phế liệu giá 5,4 triệu đồng để hành nghề và lại tìm được không ít bom. Máu nghề nổi lên, người đàn ông lại tay búa, tay ve tháo bom.

13 năm hành nghề, không ít lần vợ ông vứt búa ve, khóc lóc dọa đốt nhà, nhưng ông Hưng không nghe. Xuôi theo vợ được ít bữa, ông lại tìm đến thợ rèn đặt bộ đồ nghề khác. Đến năm 2003, ông bỏ hẳn nghề tháo bom. "Vợ con khóc lóc quá", ông Hưng giải thích.

Ông Phạm Văn Phương nói thời thanh niên tháo bom như để chứng tỏ bản thân. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Phạm Văn Phương nói thời thanh niên tháo bom như để chứng tỏ bản thân. Ảnh: Hoàng Táo

Chung "đam mê" tháo bom, ông Phạm Văn Phương (55 tuổi, xã Cam Tuyền, Cam Lộ) nói lúc niên thiếu thường đi nhặt sắt, tháo cánh bom về bán phế liệu. "Đến 17-18 tuổi, tôi bắt đầu tháo bom rồi ăn vào máu lúc nào không hay. Thấy quả đạn nổi trên mặt đất mà không lăn về tháo là khó chịu", ông Hiệp nói.

Để tránh rủi ro, ông Phương thường ngâm quả đạn dưới nước rồi mới tháo. Quả bom to nhất ông tháo được riêng phần sắt nặng 240 kg. Thuốc nổ bên trong ông mang đốt, còn vỏ đạn lăn về nhà bán sắt vụn.

Ông Phương kể thời đó không ít người tháo bom và rất nhiều tử vong. Sau 4-5 năm hành nghề, ông từ bỏ vì thấy quá nguy hiểm. Thời điểm này cũng chạm mốc bắt đầu đổi mới, ông chuyển qua nghề thu mua sắt phế liệu.

"Trước kia ăn bo bo, sắn cực lắm nên phải làm nghề tháo bom. Nay các vàng tôi cũng không dám", ông Hiệp nhớ lại.

Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ chiến tranh đứng đầu cả nước, với 82% tổng diện tích đất đai (trên 390.000 ha) bị ô nhiễm. Theo số liệu từ Bộ chỉ huy quân sự, tỉnh hiện còn hơn 100.000 tấn bom mìn chưa phát nổ. Thực trạng này làm hình thành một nghề độc nhất vô nhị, thường xuyên đối diện với nguy hiểm là rà tìm phế liệu chiến tranh.

Những năm 1980-1990, người dân các xã ven sông Bến Hải, nơi phân chia giới tuyến trong chiến tranh chống Mỹ, đổ xô đi nhặt phế liệu bán lấy tiền. Sau năm 1990, khi phế liệu lộ thiên hết, người dân mua máy rà kim loại hành nghề.

Thống kê của Trung tâm Điều phối Khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh, từ năm 1975 đến nay, Quảng Trị có 8.540 nạn nhân bom mìn, trong đó 3.431 người chết. Trong số này, có rất nhiều người làm nghề rà phế liệu.

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức
Tin đã đăng
 TRUNG TÂM VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH 911
 Hotline: 0353.911.911
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI