Bộ trưởng tri ân nghĩa cử cao đẹp nhân văn của anh Quý 41 tuổi cùng gia đình.
"Người mất đi trở về cát bụi nhưng một phần cơ thể sẽ sống trong cơ thể những người khác. Theo quan niệm của một số tôn giáo, trong những thứ cho đi của con người thì cho tạng, hiến tạng là cho lớn nhất của con người", Bộ trưởng Y tế chia sẻ.
Nhận bằng khen từ Bộ trưởng, chị Hoàng Thị Phương, vợ anh Quý rớm mắt. "Tôi cảm thấy như chồng mình vẫn tồn tại. Việc anh cứu được nhiều người là niềm an ủi cuối cùng anh dành tặng mấy mẹ con", chị Phương tâm sự.
|
Chị Hoàng Thị Phương, thay mặt gia đình anh Quý tại lễ tri ân, sáng 2/1. Ảnh: Tuấn Dũng.
|
Chị Phương kể, trong suốt quá trình điều trị bệnh, anh Quý nhiều lần bày tỏ nguyện vọng hiến tạng. Nghe lần đầu tiên, chị tưởng chồng trêu đùa. Khi chuẩn bị cho ca đại phẫu, anh một lần nữa nhắc lại nguyện vọng hiến tạng nếu như anh không may mắn qua khỏi.
"Lúc ấy, tôi gạt đi, vì không muốn nói đến điều không may mắn trước ca mổ. Nhưng sau phẫu thuật, bác sĩ thông báo anh sẽ mãi mãi không thể tỉnh lại, tôi mới giật mình nhớ tới lời dặn của chồng nên đã liên lạc mọi nơi để thực hiện di nguyện của anh ấy", người vợ nhớ lại.
Anh Quý đã hiến tặng trái tim, 2 phổi, gan và 2 thận, ghép cho 5 người bệnh nặng. Các bệnh nhân được ghép đều đã ổn định sức khỏe. Trong đó các ca ghép tim, gan, phổi và một thận được tiến hành tại Bệnh viện Việt Đức. Một thận được chuyển vào TP HCM ghép cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Mạch máu của anh Quý lưu trữ tại Ngân hàng mô cũng được nối cho một bệnh nhân ghép gan tại bệnh viện.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao thành công của các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam tự chủ hoàn toàn trong một ca ghép phổi. Trước đây Bệnh viện 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài
"Đây là nỗ lực rất lớn các bác sĩ Việt Nam để làm chủ công nghệ cao trên thế giới bao gồm các kỹ thuật ghép tạng cùng lúc, điều phối tạng cũng như ghép phổi", Bộ trưởng Tiến nói.
|
Bộ trưởng thăm bệnh nhân được ghép phổi của anh Quý tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Tuấn Dũng.
|
Từ thành công này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các bệnh viện nghiên cứu để ghép tuỵ và những kỹ thuật khó hơn. Công tác tuyên truyền, vận động hiến tạng từ người cho chết não cũng được chú trọng đẩy mạnh hơn.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết trong năm 2018, bệnh viện đã tiến hành nhiều ca phẫu thuật lớn, phức tạp. Đặc biệt lĩnh vực phẫu thuật ghép mô tạng có nhiều tiến bộ vượt bậc.
Ngân hàng Mô của bệnh viện thành lập trong năm 2018 cho thấy hiệu quả rất lớn. Ngân hàng đã lưu trữ được hơn 1.020 mảnh xương sọ tự thân và sử dụng ghép cho 409 trường hợp, ngoài ra còn lưu giữ van tim, mạch máu, tinh trùng, gân...
Tính đến ngày 21/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, một ca ghép tim và thận, một ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng trong đó một ca ghép phổi, 19 ca ghép tim, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.
Nguồn: VN Expess