19 giờ tại khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện Trung ương quân đội 108, Lê Thị Bảo Yến, 24 tuổi, chăm chú đọc sách. Cuốn sách " Bệnh ung thư và cách điều trị " được cô gối đầu giường như một liều thuốc tinh thần mỗi ngày.
|
Lê Thị Bảo Yến thường đọc sách mỗi lúc có thời gian. Ảnh: Thùy An
|
Yến có dáng người nhỏ bé, đôi mắt to, sáng và đôi môi luôn cười. Nhìn Yến, không ai nghĩ cô mắc bệnh ung thư gan giai đoạn 3. Trong gan Yến có nhiều khối u lớn nhỏ. "Cái to nhất thì như quả trứng gà", Yến cho biết.
Bảo Yến mới cưới được một năm. Cô và chồng có một trung tâm dạy tiếng Hàn tại Hà Nội. Để có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn, Yến thường đi ngủ vào 2h sáng, ăn đêm như ăn ngày và chỉ nấu cơm vào cuối tuần.
Khi phát hiện bệnh, Yến tự hỏi "ung thư thì phải chữa thế nào đây", cô kể lại. Nhưng lo lắng ban đầu qua nhanh, cô cố gắng loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực để chuyên tâm điều trị. Giờ đây mỗi ngày Yến thức dậy từ 5 giờ sáng và đi ngủ lúc 10 giờ tối. Cô gái đọc sách để tìm hiểu về ung thư để chiến đấu chống lại bệnh sao cho hiệu quả nhất. Nâng đỡ tinh thần Yến, ngoài niềm lạc quan bẩm sinh, là người chồng cô, Nguyễn Văn Khánh.
"Lần đầu tiên trong đời Yến thấy chồng khóc, lúc mình có kết quả xét nghiệm", Yến kể lại.
Người chồng tiếp lời: "Lúc này, ngoài khi đi dạy, tôi dành cho vợ toàn thời gian, đây là lúc vợ cần tôi nhất".
Những ngày nằm viện, Yến thường đến các phòng bệnh khác nói chuyện với mọi người. Niềm lạc quan của cô gái mang đến nguồn năng lượng tích cực cho khoa Nội tiêu hóa. Bảo Yến nói chưa bao giờ hiểu và lắng nghe cơ thể mình nhiều như lúc này.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Yến chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xạ trị đầu tiên. "Họ nói rằng xạ trị đau đớn, nhưng nếu đấy là cách chữa trị duy nhất thì mình sẵn sàng", cô gái trẻ nói, giọng đầy quyết tâm.
|
Bảo Yến luôn tìm trò đùa vui để tinh thần luôn được thoải mái. Ảnh: NVCC
|
Các bác sĩ cho biết, đối với ung thư gan, phẫu thuật là giải pháp phù hợp nhất đối với những bệnh nhân ở giai đoạn đầu. Những bệnh nhân nặng hơn sẽ được bác sĩ chỉ định các biện pháp phù hợp để khống chế không cho khối u phát triển, làm giảm nhẹ tình trạng bệnh.
Bác sĩ Thân Văn Thịnh, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, cho biết ung thư gan là căn bệnh thầm lặng, rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân thường đến gặp bác sĩ khi bướu đã lan rộng.
Người trẻ bị ung thư gan có thể do thiếu tiêm chủng viêm gan B theo quy trình tiêm phòng. Đến 80% những người có virut viêm gan B và C có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Rượu, thực phẩm có nấm mốc hoặc di truyền... cũng là yếu tố nguy cơ. Để phòng ngừa và phát hiện sớm, nên tầm soát ung thư và điều trị các bệnh lý liên quan như viêm gan, gan nhiễm mỡ, tiêm phòng đầy đủ.
Thùy An