Bé được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 5/3, điều trị theo phác đồ điều trị ngộ độc do rắn hổ mang cắn.
Hiện, bệnh nhi đã ổn định, không còn sốt, toàn bộ cánh tay giảm sưng nề, hoại tử ngón tay cái. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng đã giảm, không có rối loạn về đông máu. Bé tỉnh, tiên lượng tốt.
Hiện, bé được chuyển đến Viện Bỏng quốc gia để tiếp tục điều trị.
|
Bé đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Anh Thư.
|
Theo bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi bị rắn cắn, sơ cứu ban đầu sai cách khiến không ít người tử vong. Sai lầm lớn nhất là ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở...) mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.
Mục đích của việc sơ cứu khi bị rắn cắn là làm nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm và ít hơn. Bác sĩ khuyến cáo không nên cố gắng hút nọc độc, chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn. Đặc biệt, không nên trị bằng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo mà phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Khi bị rắn cắn, không để bệnh nhân tự đi lại mà cần bất động chân tay bị rắn cắn bằng nẹp. Vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo cho người bệnh.
Nguồn: VN Express