Bệnh viện Loma Linda University Health, nơi bác sĩ Leonard Bailey gắn bó hơn 40 năm, thông báo ông qua đời ngày 12/5 sau thời gian dài điều trị ung thư cổ - họng.
Bác sĩ Bailey là người tiên phong trong lĩnh vực ghép tim trẻ em. Năm 1984, ông thực hiện ca phẫu thuật gây tranh cãi cho em bé có biệt danh Baby Fae.
"Thời điểm đó, trẻ sơ sinh mang dị tật tim bẩm sinh không được điều trị mà chỉ có thể chờ chết", bác sĩ Bailey chia sẻ trong một phỏng vấn năm 2007. "Tôi đã gặp vài đứa trẻ như vậy. Chúng tôi thử rất nhiều phương pháp để xem có thể kéo dài sự sống cho các bé hay không. Hầu hết bệnh nhi chỉ sống thêm được vài ngày. Chúng tôi không thành công trong việc cứu các bé".
Baby Fae tên thật là Stephanie Fae Beauclair. Bé gái sinh non với hội chứng giảm sản tim trái, một dị tật tim bẩm sinh.
Bác sĩ Bailey cùng đồng nghiệp khi ấy đang thử nghiệm cấy ghép chéo loài trong phòng thử nghiệm. Không có sẵn tim trẻ sơ sinh để phục vụ nghiên cứu, bác sĩ Bailey quyết định ghép tim của một con khỉ đầu chó vào cơ thể Baby Fae khi bé được 12 ngày tuổi.
|
Bác sĩ Bailey trong ca phẫu thuật ghép tim khỉ cho Baby Fae, năm 1984. Ảnh: Loma Linda University Health.
|
21 ngày sau, Baby Fae qua đời do suy thận. Dù thất bại, ca ghép tim này vẫn được xem là bước ngoặt khoa học bởi thời gian sống của Baby Fae dài hơn mọi bệnh nhi được ghép tạng khác.
"Baby Fae đã giúp phát triển lĩnh vực cấy ghép tim trẻ em, tăng mức độ nhận thức cộng đồng chưa từng có", Bệnh viện Đại học Loma Linda viết trên trang web. "Người từ khắp nơi hiểu rằng nhu cầu ghép tạng cho trẻ sơ sinh là rất cấp thiết. Bên cạnh đó, các thế hệ sinh viên y khoa được truyền cảm hứng đã đi theo bước chân của bác sĩ Bailey và trở thành bác sĩ nhi khoa".
Các nhà hoạt động vì quyền động vật lại lên án gay gắt ca phẫu thuật của bác sĩ Bailey. Ông kể: "Thư đe dọa đổ về suốt một thời gian dài đến mức cảnh sát đề nghị chúng tôi để họ mở mọi thư được gửi tới".
|
Baby Fae sống thêm 21 ngày kể từ lúc nhận tim khỉ. Ảnh: AP.
|
Một năm sau ca phẫu thuật Baby Fae, bác sĩ Bailey thành công trong ca phẫu thuật ghép tim từ trẻ qua trẻ đầu tiên trên thế giới. Suốt sự nghiệp, ông thực hiện gần 400 ca ghép tim trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đại học Loma Linda.
"Bác sĩ Bailey đã giúp Bệnh viện Đại học Loma Linda trở thành cơ sở hàng đầu thế giới về ghép tim, đồng thời mở đường cho những tiến bộ y tế để bác sĩ phẫu thuật sửa chữa các dị tật tim bẩm sinh phức tạp thay vì cấy ghép", Bệnh viện Đại học Loma Linda tri ân cố bác sĩ.
Nguồn: VN Express