220 ngày điều tra, bắt hai tướng công an bảo kê đánh bạc

Ngày đăng: 20/12/2018
Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa nêu lý do đau ốm, bất hợp tác với cơ quan điều tra khi bị phát giác vi phạm.

Sau ngày bắt cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương (30/8/2017), xác minh tài liệu thu tại trụ sở CNC, các cơ quan tố tụng Phú Thọ thấy tổ chức đánh bạc trực tuyến của công ty này có sự chống lưng của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hoá nên lập tức báo cáo, xin ý kiến cấp trên.

Qua nghỉ lễ 2/9, thực hiện chỉ đạo "không có vùng cấm", Ban chuyên án vận động người liên quan cung cấp thêm thông tin, kể cả dưới dạng thư và các đoạn chát.

Cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa hầu tòa tháng 11/2018. Ảnh: Giang Huy.

Cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa hầu tòa tháng 11/2018. Ảnh: Giang Huy.

Ngoài Tết Dương lịch (tháng 1/2018), cơ quan điều tra có được lệnh triệu tập với tướng Vĩnh và Hóa. 6 điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ) được giao nhiệm vụ đặc biệt điều tra hai ông này.

Theo ông Lê Xuân Lộc (Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm của VKSND tỉnh Phú Thọ), việc triệu tập ông Hóa gặp khó khăn bởi ông ta thường nêu lý do đau ốm, nằm viện. Do ông Hoá không về Phú Thọ, tổ công tác phải đến gặp tại Bệnh viện 198 (Hà Nội).

"Anh em chúng tôi xuống 4-5 lần vẫn không nhận được sự hợp tác. Một lần tôi xuống, ông ấy kêu đau đầu không làm việc được. Nhưng sau khi anh em ra khỏi bệnh viện một lúc, ông Hóa lại phóng xe máy ra cổng", Trưởng phòng Lộc kể.

Ngày 11/3, lệnh bắt ông Hoá được VKSND tỉnh Phú Thọ phê chuẩn. Chiều tối hôm đó, tổ công tác của công an và VKS Phú Thọ đang trên đường xuống Bệnh viện 198 thực thi quyết định này thì nhận được tin Chủ tịch nước đã tước quân tịch với ông Hoá.

"Chúng tôi đợi luôn ở cổng bệnh viện. Khi Bộ Công an cử người mang quyết định tước quân tịch đến đọc thì thực hiện luôn lệnh bắt", ông Lộc nói.

Xe của cơ quan điều trai tại bệnh viện 198 nơi bắt ông Hóa. Ảnh: Bá Đô.

Xe của cơ quan điều tra tại Bệnh viện 198 khi bắt ông Hóa. Ảnh: Bá Đô.

Lúc lệnh bắt được công bố, ông Hoá nói sức khoẻ yếu nên không thể rời giường bệnh. Bác sĩ được yêu cầu để kiểm tra sức khỏe và kết quả cho thấy bình thường. Tổ công tác cử cán bộ đưa ông Hoá về Phú Thọ, số còn lại tới nhà riêng tại phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) khám xét trong hơn ba tiếng ngay tối 11/3.

Theo ông Lộc, về tới Phú Thọ, ông Hoá không còn dấu hiệu của người ốm. Cựu cục trưởng C50 ban đầu bị khởi tố để điều tra về tội Tổ chức đánh bạc, theo khoản 2 điều 249 Bộ luật Hình sự 1999, sau đổi thành Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phan Văn Vĩnh xin không bị bắt ở quê nhà

Sau khi ông Hóa bị bắt, cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của trung tướng Phan Văn Vĩnh. Lúc đó, ông Vĩnh vừa rời ghế Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để nghỉ hưu, về Nam Định sống cùng gia đình.

Khi bị triệu tập, ông Vĩnh hợp tác tốt. Lệnh khởi tố, bắt tạm giam được công bố và thực hiện tại cơ quan điều tra trong ngày 6/4 khi ông Vĩnh đang có mặt ở đây, theo nguyện vọng của bị can này. 

Cơ quan điều tra khám nhà cựu trung tướng Vĩnh. Ảnh: Bá Đô.

Cơ quan điều tra khám nhà cựu trung tướng Vĩnh. Ảnh: Bá Đô.

Theo một nguồn tin, từ lúc biết ông Hoá bị bắt, ông Vĩnh đã xác định có ngày phải "chung sống phận". Từ khi bắt Dương đến lúc bắt ông Vĩnh, cơ quan tố tụng Phú Thọ mất 220 ngày điều tra, đấu tranh.

Cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát bị khởi tố với cáo buộc có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999. 

Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Giang Huy

Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Giang Huy

Theo hồ sơ vụ án, ông Vĩnh từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII. Ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát từ tháng 12/2014 đến khi nghỉ hưu vào tháng 4/2017, mang quân hàm trung tướng.

Trong thời gian làm lãnh đạo, ông được biết đến với vai trò chỉ đạo điều tra thành công nhiều chuyên án lớn như vụ án Lê Văn Luyện, thảm án ở Bình Phước, bắt Bầu Kiên...

Theo bản án sơ thẩm, đường dây đánh bạc trực tuyến do Nguyễn Văn Dương (chủ tịch CNC) và Phan Sào Nam (chủ tịch VTC Online) điều hành thông qua hai cổng game Rikvip/Tip.club đã thu hút được gần 43 triệu tài khoản tham gia. Đây là mạng lưới trò chơi cờ bạc trá hình có quy mô và doanh thu lớn nhất Việt Nam song lại được sự bảo kê của ông Vĩnh và Hoá.

Tháng 11 vừa qua, ông Vĩnh, Hoá hầu tòa cùng Dương, Nam và 88 bị cáo. Cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát bị tuyên phạt 9 năm tù, cựu cục trưởng C50 nhận án 10 năm tù. 90 bị cáo còn lĩnh mức án từ phạt tiền 40 triệu đồng tới phạt tù 10 năm. 

Sai phạm của hai tướng công an

Năm 2011-2015: Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa ký ghi nhớ CNC là công ty nghiệp vụ của công an, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 hưởng 20% dù không góp vốn.

Năm 2015: Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong của Cục C50.

Năm 2016: Hai tướng công an chống lệnh cấp trên, không báo cáo và không xử lý đường dây đánh bạc mà còn tiếp tục xin Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép cho thử nghiệm game bài. Nhiều cơ quan chức năng tới CNC xác minh về game đánh bạc trái phép nhưng đều bị ngăn cản.

Năm 2017, vài ngày trước khi về hưu, theo đề nghị của ông Hoá, ông Vĩnh ký vào hợp đồng được tạo dựng để hợp thức hóa "bản ghi nhớ" từ nhiều năm trước với nội dung C50 góp vốn vào CNC chỉ là hình thức.

Nguồn: VN Express


Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức
Tin đã đăng
 TRUNG TÂM VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH 911
 Hotline: 0353.911.911
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI